Bảo tàng chiến dịch Điện Biên Phủ
Từ sau Cách Mạng tháng Tám năm 1945, quân đội nhân dân Việt Nam ngày càng lớn mạnh và phát triển hơn nữa, giành được thế chủ động trên chiến trường Bắc Bộ bằng những chiến thắng liên tiếp trong nhiều chiến dịch. Trong đó không thể không nhắc đến chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu” năm 1954. Hiện nay, tuy không được tận mắt chứng kiến những khoảnh khắc lịch sử của dân tộc nhưng du khách muôn nơi có thể đến Bảo tàng chiến dịch Điện Biên Phủ để tìm hiểu cũng như cảm nhận rõ nét hơn về mốc son chói lọi đó.
Bài viết sẽ chia sẻ cho bạn những điều ý nghĩa mà bạn nên biết về bảo tàng chiến thắng này. Cùng đọc và trải nghiệm kỹ hơn trong chuyến thăm quan thực tế nhé.
1. Vị trí bảo tàng Điện Biên Phủ
Bảo tàng nằm tại quốc lộ 279, phố 3, phường Mường Thanh, thành phố Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên. Đây là một trong những điểm đến vô cùng ý nghĩa trong những ngày tháng 5 lịch sử, gợi nhắc đến quá khứ gian khổ nhưng anh dũng, kiên cường của dân tộc.
2. Quá trình xây dựng bảo tàng
Năm 1958, Bộ Văn hóa, Bộ Quốc Phòng và Ủy ban hành chính tỉnh Lai Châu đã cử các cán bộ sưu tầm tài liệu, hiện vật để phục vụ cho công tác xây xây dựng bảo tàng.
Năm 1965, bảo tàng Điện Biên Phủ được thành lập, trưng bày các tài liệu, hiện vật về chiến dịch Điện Biên Phủ cùng những tài liệu về văn hóa, truyền thống của địa phương.
Năm 1979, chiến tranh Biên giới diễn ra căng thẳng, bảo tàng khi đó được xây dựng ở đồi C2 buộc phải giải thể. Hiện vật khi đó được huyện Điện Biên và phòng Bảo tàng phân ra quản lý.
Năm 1984 đánh dấu 30 năm chiến thắng lịch sử của dân tộc, Nhà trưng bày chiến thắng Điện Biên Phủ được thành lập do Viện bảo tàng Quân đội quản lý.
Năm 1996, UBND tỉnh Lai Châu khi đó được ủy quyền quản lý toàn bộ Khu di tích lịch sử Điện Biên Phủ và Nhà trưng bày chiến thắng Điện Biên Phủ đã đưa ra quyết định thành lập bảo tàng Điện Biên Phủ.
Năm 2004, UBND lâm thời tỉnh Điện Biên quyết định tách Bảo tàng Điện Biên thành Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ và Bảo tàng Dân tộc trực thuộc Sở Văn hóa thông tin.
Năm 2014, công trình Bảo tàng Chiến thắng Điện Biên Phủ được khánh thành 5/5 nhân dịp kỷ niệm 60 năm chiến thắng lịch sử.
3. Thiết kế của Bảo tàng chiến dịch Điện Biên Phủ
Bảo tàng là công trình có quy mô hoành tráng và hiện đại nhất tỉnh Điện Biên. Bảo tàng được thiết kế dạng hình nón cụt, xung quanh được trang trí giống như hình quả trám tượng trưng cho tấm lưới trên chiếc mũ của bộ đội cụ Hồ. Trong đó, tầng hầm là nơi đón tiếp khách tham quan, có không gian học tập và phục vụ các dịch vụ vui chơi giải trí. Tầng nổi bao gồm nơi trưng bày các tài liệu, hiện vật liên quan đến chiến thắng Điện Biên Phủ, không gian panorama và bộ phận làm việc.
4. Tầng nổi bên trong bảo tàng
Tầng nổi rộng 1250m2 trưng bày gần 1000 tài liệu, hiện vật gồm hình ảnh, bản đồ…Phần trưng bày được bố trí theo trình tự thời gian một cách khoa học, mỹ thuật với sự hỗ trợ của kỹ thuật và công nghệ hiện đại. Không gian trưng bày được sắp xếp theo 5 chủ đề lớn, bao gồm: Sơ lược cuộc kháng chiến chống Thực dân Pháp xâm lược, Chiến dịch Điện Biên Phủ, Tác động của chiến thắng Điện Biên Phủ đối với trong nước và thế giới, Sự giúp đỡ của nhân dân thế giới trong chiến dịch và cuối cùng là chủ đề Tôn vinh.
Các hiện vật được đặt trang trọng trong tủ kính, có bệ đỡ phủ vải nhung đỏ với ánh sáng đảm bảo soi rõ hiện vật. Bên dưới mỗi hiện vật đều có tóm tắt thông tin một cách ngắn gọn, xúc tích làm nổi bật lên ý nghĩa của hiện vật, giúp khách tham quan hiểu rõ hơn về các giai đoạn, thời điểm lịch sử. Bên cạnh đó, bảo tàng cũng trưng bày các hiện vật liên quan đến cá nhân tại vị trí dễ quan sát để dễ dàng thuyết minh cho khách. Đó là xe đạp thồ của ông Ma Văn Thắng, xe cút kít của ông Trịnh Đình Bầm, áo lụa của ông Nguyễn Phú Xuyên Khung, máy điện thanh của ông Chu Văn Mùi… Ngoài ra, một số loại pháo như Sơn pháo, Cao xạ, pháo H6… trước đây chỉ trưng bày ngoài trời thì nay cũng đã được Bảo tàng trưng bày bên trong.
5. Phối cảnh không gian bên trong bảo tàng
Phối cảnh của bảo tàng là các mô hình được làm giả. Du khách đến đây có thể khám phá phối cảnh kéo pháo vào trận địa, phối cảnh vận chuyển lương thực hay cảnh phá đá mở đường…Đây là một phần quan trọng của Bảo tàng khi mô phỏng sinh động lại các hoạt động tiêu biểu, ý nghĩa trong công tác chuẩn bị cho chiến dịch vang dội năm nào. Bên cạnh đó là không gian trưng bày liên quan đến mô hình y bác sĩ chăm sóc thương binh ở cả 2 phía ta và địch, vừa làm nổi bật thực tế đau thương, khốc liệt của chiến trường, vừa đề cao vai trò của công tác quân y khi cứu chữa được hơn 5000 thương binh có thể tiếp tục chiến đấu.
Ngoài những hiện vật chân thực, Bảo tàng còn trưng bày các tư liệu khai thác cả từ trong và ngoài nước, giúp người xem có cái nhìn sâu sắc và chân thực hơn về lịch sử chiến dịch Điện Biên Phủ.
6. Không gian tôn vinh các cán bộ, chiến sĩ
Bảo tàng còn xây dựng dành riêng một phòng trưng bày riêng để tôn vinh những anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân có thành tích nổi bật trong chiến dịch, nhắc nhở con cháu đời sau ghi nhớ và tri ân công lao của những người đã ngã xuống vì hòa bình độc lập dân tộc.
7. Không gian panorama
Toàn bộ phía trong tầng 2 là không gian panorama, tái hiện toàn bộ cuộc chiến Điện Biên Phủ thông qua những bức tranh được vẽ nối tiếp tạo nên tác phẩm hội họa đề tài chiến tranh có một không hai tại Việt Nam.
Kết luận
Bảo tàng chiến dịch Điện Biên Phủ không chỉ là công trình ý nghĩa đối với tỉnh Điện Biên mà còn của cả đất nước. Đây chắc chắn là điểm đến không thể bỏ qua khi đến mảnh đất Điện Biên, góp phần tôn vinh những giá trị lịch sử to lớn trong hiện tại và cả tương lai.