Chiến thắng Điện Biên Phủ vào năm nào? Top những di tích lịch sử liên quan
Điện Biên Phủ là một thung lũng rộng lớn phía Tây vùng núi Tây Bắc. Tướng Navarre của Pháp đã đánh giá Điện Biên Phủ có vị trí chiến lược quan trọng trong chiến tranh Đông Dương và cả Đông Nam Á. Thấy rõ tầm quan trọng đó, Pháp đã huy động lực lượng xây dựng Điện Biên Phủ thành cứ điểm quân sự mạnh nhất Đông Dương. Chính từ đó mới những có trận đánh khốc liệt và đem về chiến thắng vang dội năm châu cho quân đội ta. Vậy bạn còn nhớ chiến thắng Điện Biên Phủ vào năm nào và có biết đến những di tích liên quan không? Cùng xem lại trong bài viết này nhé.
Chiến thắng Điện Biên Phủ vào năm nào?
Chiều ngày 7/5/1954, lá cờ “Quyết chiến – Quyết thắng” của quân đội Việt Nam đã tung bay trên nóc hầm tướng De Castries, chính thức đánh dấu thắng lợi của Việt Nam ta sau trận Điện Biên Phủ có quy mô lớn nhất trong Chiến tranh Đông Dương lần thứ 1. Đây là mốc son chói lọi trong lịch sử kháng chiến giữ nước, làm “chấn động địa cầu”, tác động mạnh mẽ đến phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc trên toàn thế giới, buộc Pháp phải ký hiệp định Geneva công nhận độc lập chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của ba nước Đông Dương. Đến nay, tại mảnh đất núi rừng xa xôi, rất nhiều các di tích vẫn được bảo tồn để ghi nhớ dấu mốc lịch sự to lớn của dân tộc anh hùng.
Vậy, câu trả lời cho câu hỏi “chiến thắng Điện Biên Phủ vào năm nào?” chính là năm 1954. Các bạn nhớ nhé!
Top những di tích lịch sử liên quan đến chiến thắng Điện Biên Phủ
Bạn đã nhớ rõ chiến thắng Điện Biên Phủ vào năm nào chưa nhỉ? Giờ thì tìm hiểu thêm về những di tích lịch sử liên quan ngay nào.
Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ
Bảo tàng được xây dựng ngay trung tâm thành phố Điện Biên Phủ nhân dịp kỷ niệm 30 năm ngày chiến thắng oanh liệt. Bảo tàng gồm 5 khu trưng bày, tổng cộng 274 hiện vật và 122 bức tranh được sắp xếp theo chủ đề.
Tượng đài chiến thắng Điện Biên Phủ
Tượng đài được đúc từ 217 tấn đồng, đặt tại vị trí trung tâm di tích đồi D1. Đây là nhóm tượng đồng nặng nhất Việt Nam với chiều cao 12,6m, đặt trên bệ 3,6m gồm 12 thớt. Ai đến đây cũng vừa bùi ngùi nhớ lại những ký ức về thời chiến tranh gian khổ, trường kỳ của dân tộc vừa tự hào về sức mạnh anh hùng của quân dân ta.
Di tích đồi A1
Đây được coi là vị trí chiến lược vô cùng quan trọng, bảo vệ phân khu trung tâm và căn hầm của tướng De Catries. Trên đồi A1 hiện nay vẫn còn nguyên vết tích hố Bộc phá do 960kg thuốc nổ gây ra. Khi đến đây, bạn sẽ được trải nghiệm một số hoạt động từng diễn ra trong thời chiến như nấu cơm bằng bếp Hoàng Cầm, đẩy xe đạp thồ chở lương thực…
Nghĩa trang liệt sĩ Quốc gia Đồi A1
Phía Nam di tích đồi A1 là nơi an nghỉ của 644 cán bộ, chiến sĩ đã hy sinh trong trận chiến ác liệt năm nào. Bên trong khuôn viên là nhà quản trang được xây dựng theo phong cách nhà sàn truyền thống của người Thái, bên ngoài tường thành là bức phù điêu tái hiện những trận đánh anh dũng của quân đội ta trong 9 năm trường kỳ kháng chiến.
Sở chỉ huy chiến dịch Điện Biên Phủ
Di tích nằm ở xã Mường Phăng, huyện Điện Biên với độ cao hơn 1000m so với mực nước biển. Các công trình ở đây được bố trí thành hệ thống rào trước bọc sau, có hầm hào đảm bảo an toàn và bí mật. Đây cũng chính là nơi Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp và Bộ chỉ huy chiến dịch đã ra những quyết định tấn công làm nên chiến thắng vang dội năm 1954.
Hầm De Castries
Căn hầm được thực dân Pháp kỳ công xây dựng, ở trung tâm tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ. Cho đến nay, cấu trúc và cách sắp xếp của hầm vẫn còn nguyên vẹn để các bạn có cái nhìn chính xác nhất về những di tích lịch sử. Bao quanh hầm là hàng rào phòng vệ có dây thép gai và bốn xe tăng. Vậy nên đây mới được coi là căn hầm kiên cố nhất Đông Dương lúc bấy giờ.
Cầu Mường Thanh
Đây là công trình trình của Pháp vào năm 1953. Cầu vắt ngang qua dòng sông Nậm Rốm, được xây dựng bằng sắt thép loại tốt. Chính vào chiều ngày 7/5/1954, quân đội ta đã tràn qua cây cầu được coi là cầu dã chiến của Pháp để tiến thẳng vào sở chỉ huy, giương cao lá cờ độc lập của dân tộc.
Hang Thẩm Púa
Sở chỉ huy tiền phương của Bộ chỉ huy chiến dịch Điện Biên Phủ đã chọn hang Thẩm Púa là địa điểm đầu tiên để đặt cơ sở. Chính trong hang đá này, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã phổ biến lệnh tác chiến với phương án “đánh nhanh thắng nhanh” đem về thắng lợi cho chiến dịch. Từ trong hang, các bạn có thể ngắm nhìn những quả đồi xanh bạt ngàn màu lúa nếp nương hay những dãy núi hùng vĩ vùng Tây Bắc.
Di tích nhà tù Lai Châu
Nhà tù Lai Châu với cái tên Trại giam địa đạo đã đủ nói lên sự dã man của thực dân Pháp khi giam giữ tù nhân tại đây. Tuy nhiên hiện nay, nhà tù đã trở thành phế tích trong lòng thủy điện Sơn La nên bạn chỉ có thể tham quan di tích trong hình ảnh tái hiện ở bảo tàng Điện Biên.
Đèo Pha Đin
“Dốc Pha Đin, chị gánh anh thồ” – câu thơ mà không ai lại không biết đã nhắc đến con đèo Pha Địn huyền thoại trong chiến dịch Điện Biên Phủ, là tuyến đường chủ lực để dân ta vận chuyển lương thực, thực phẩm, tư trang thiết yếu cho bộ đội ở tiền tuyến. Giờ đây, con đèo dài 32km này đã trở thành một trong tứ đại đỉnh đèo mà bất cứ tay phượt nào cũng say mê chinh phục.
Với những giá trị lịch sử tiêu biểu, mỗi di tích ở đây đều gợi nhắc đến quá khứ gian khổ nhưng hào hùng của dân tộc. Hy vọng bài viết trên đã giúp bạn giải đáp được thắc mắc về chiến thắng Điện Biên Phủ vào năm nào hay những di tích liên quan để mọi người có thể mở rộng vốn kiến thức cho mình nhé.