Đồi A1 Điện Biên Phủ
Điện Biên là mảnh đất anh hùng gắn liền với chiến thắng Điện Biên Phủ, buộc Pháp phải công nhân độc lập chủ quyền của dân tộc ta. Đến với nơi đây, bạn sẽ được tham quan các địa danh lịch sử như khu trung tâm đề kháng Him Lam, hầm De Catries, căn cứ địa Mường Phăng…Trong đó nổi bật là di tích đồi A1 Điện Biên Phủ – nơi diễn ra trận đánh kéo dài 39 ngày đêm của quân đội Việt Nam ta. Cùng tìm hiểu những điều liên quan đến đồi A1 lịch sử này để có cái nhìn sâu sắc hơn về chiến dịch năm 1954 này nhé.
1. Tên gọi
A1 không phải tên gọi ban đầu của mà chỉ là ký hiệu mà bộ đội ta đặt cho quả đồi.
+ Trước đó, khi chưa bị thực dân Pháp đánh chiếm, nó có tên là Pom Lạng Chượng. Lạng Chượng là dân tộc người Thái, sống vào cuối thế kỷ XI đầu thế kỷ XII. Sau khi chiếm được Mường Thanh, người Lạng Chượng đã lập dinh lũy tại quả đồi này và đặt tên là Pom Lạng Chượng.
+ Vào khoảng thời gian Pháp chiếm đóng, nó lại có tên khác là đồi Đồn Tây, đồi Elian 2. Cái tên đồi Đồn Tây xuất phát từ việc tòa sở của quan binh kiêm quan cai trị người Pháp đóng tại đây.
Vào tháng 2/1946, khi Pháp chiếm lại được Điện Biên, chúng đã bố trí rất nhiều các lô cốt, hầm ngầm tại quả đồi và đặt lại tên gọi là Elian 2.
Tuy nhiên hiện nay, mọi người vẫn gọi nơi đây với cái tên đồi A1 Điện Biên Phủ.
2. Vị trí của di tích
Đồi A1 nằm cạnh quốc lộ 279, phường Mường Thanh, thành phố Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên. Cứ điểm cao 32m so với mặt đường với diện tích khoảng 83000m2.
3. Tầm quan trọng của di tích A1
Đồi A1 Điện Biên Phủ nằm dọc theo hướng Tây Bắc – Đông Nam, gồm 2 đỉnh Tây Bắc cao hơn 490m và đỉnh Đông Nam cao hơn 493m. Đây là di tích nằm cùng với các điểm C1, C2, D và E ở phía Đông dãy đồi, tạo thành bức tường thành bao bọc khu trung tâm. Thực dân Pháp gọi đây là cái cổ họng của Điện Biên đủ thấy vị trí chiến lược quan trọng bậc nhất của đồi A1.
Nếu chiếm được cao điểm A1 thì phân khu trung tâm của địch sẽ không đủ sức chống đỡ, tập đoàn cứ điểm cũng sẽ bị uy hiếp.
4. Trận đánh trên đồi A1
A1 là nơi diễn ra trận đánh quan trọng trong giai đoạn 2 và 3 của chiến dịch Điện Biên Phủ, với đợt 1 từ 30/3 đến 30/4/1954 và đợt 2 là từ ngày 1/5 đến 6/5/1954.
+ Tiến công đợt 1:
Từ ngày 30/3 đến 30/4/1954, quân ta đồng loạt tiến công đánh chiếm được các cứ điểm phía Đông của phân khu trung tâm, thắt chặt vòng vây, chia cắt đội hình địch, đồng thời kiểm soát được sân bay Mường Thanh, hạn chế sự chi viện của địch . Địch ngoan cố chống trả nhằm kéo dài thời gian đến mùa mưa, buộc quân ta phải cởi bỏ vòng vây. Đợt tấn công lần này được coi là bất phân thắng bại, dai dẳng và quyết liệt nhất, bên ta và địch liên tục tranh chấp, giành giật nhau từng tấc đất. Sau 30 ngày giằng co gay gắt tại đồi A1 Điện Biên Phủ, khu trung tâm đã nằm trong tầm kiểm soát của quân đội Việt Nam. Phía thực dân Pháp rơi vào thế bị động, ảnh hưởng không nhỏ đến tinh thần chiến đấu.
+ Tiến công đợt 2:
Quân ta tiếp tục đánh chiếm các cứ điểm phía Đông và chính thức mở cuộc tổng công kích tiêu diệt toàn bộ lực lượng địch tại tập đoàn cứ điểm. Đêm ngày 6/5/1954 diễn ra trận chiến quyết liệt giữa ta và địch tại đồi A1, quân ta ồ ạt tấn công, phá hủy các lô cốt và rất nhiều hầm ngầm của Pháp. Cuối cùng, chỉ huy đồi A1 cùng 400 binh lính phải giơ tay xin hàng.
Ngày 7/5/1954, vào lúc 17h30 phút, Sở chỉ huy của địch bị quân ta đánh chiếm, tướng De Catries cùng toàn bộ Tham mưu và binh lính chịu trận đầu hàng. Đây chính là thời khắc lá cờ” Quyết chiến – Quyết thắng” của Việt Nam tung bay trên nóc hầm chỉ huy địch, chính thức đánh dấu thắng lợi vẻ vang của Quân đội Nhân dân Việt Nam sau 9 năm kháng chiến trường kỳ.
5. Các dấu tích còn tồn tại ở đồi A1 hiện nay
+ Lô cốt cây đa cụt là điểm tham quan đầu tiên khi đặt chân đến đây. Lô cốt này bị quân ta đánh chiếm lúc 1h30 ngày 7/5/1954.
+ Xác xe tăng Bazeille nặng 18 tấn là một trong 2 chiếc xe được Pháp đưa lên từ trung tâm Mường Thanh để phản kích quân đội ta.
+ Vết tích hố bộc phá to như ao đình do trận nổ khối bộc phá gần 1000kg của quân ta gây ra, nhằm đánh sập hầm hào, lô cốt cố thủ của địch.
+ Hầm chỉ huy đồi A1 của Pháp.
+ Đường phản kích của địch từ Mường Thanh lên A1
Tại đây còn có ngôi mộ tập thể của những chiến sĩ vô danh đã anh dũng hy sinh vì hòa bình dân tộc và đài tưởng niệm di tích đồi A1.
Đến với cực Tây Tổ quốc, đến với di tích đồi A1 Điện Biên Phủ, du khách sẽ có cho mình những cái nhìn chân thực hơn về những trận đánh lịch sử và khí phách anh hùng của dân tộc Việt Nam ta. Những ngày tháng 5 lịch sử, nơi đây lại thu hút đông đảo du khách đến tham quan, gợi nhắc về quá khứ oanh liệt vang dội đã qua.