Lễ hội hoa ban Điện Biên
“Giữa đại ngàn hoa ban đầy huyền ảo
Lòng ta say chân lảo đảo bước đi
Chẳng hiểu sao ta bỗng thấy lâm li
Hoa ban trắng đã nhâm nhi nỗi nhớ…”
Có ai mê mẩn sắc trắng tinh khôi của loài hoa ban giữa đại ngàn Tây Bắc không nhỉ? Nếu như Hà Giang nổi tiếng với hoa tam giác mạch dịu dàng trên cao nguyên đá, Sơn La nổi tiếng với hoa mận, hoa đào lãng mạn thì Điện Biên lại mang vẻ đẹp rất riêng với hoa ban nở trắng trời Tây Bắc. Nếu có dịp lên đây, nhất định không được bỏ qua cơ hội ngắm hoa và tham gia lễ hội hoa ban Điện Biên vô cùng hấp dẫn.
Đọc bài viết dưới đây để tìm hiểu ngay những điều thú vị về lễ hội hoa ban nhé.
1. Tên gọi
Lễ hội hoa ban hay còn gọi là lễ hội Xên Mường thường được tổ chức ở Tây Bắc mỗi dịp tháng 2 âm lịch. Đâu cũng là lúc hoa ban nở rộ tạo nên bức tranh vừa có nét hùng vĩ của núi rừng, vừa có sự thơ mộng của sắc trắng tinh khôi. Tại Điện Biên, lễ hội hoa ban là một hoạt động văn hóa không thể thiếu trong đời sống tinh thần của đồng bào người Thái.
2. Sự tích của lễ hội hoa ban Điện Biên
Khi xưa có người con gái tên Ban bản người Thái xinh đẹp nhất xứ “Mường trời” đã đem lòng yêu chàng trai tên Khum nhà nghèo nhưng giỏi săn bắn, lại tốt bụng, chịu khó. Nhưng bố mẹ nàng lại không chấp thuận, hứa gả Ban cho một tên con trai Tạo mường nhà giàu nhất bản, vừa thọt vừa gù lại hay ăn lười làm. Vào ngày cưới, nàng buộc chiếc khăn piêu ở cầu thang rồi một mình bỏ trốn đi tìm Khum còn đang bẫy thú trong rừng chưa về. Nhưng nàng đi mãi, đi mãi rồi kiệt sức mà chết ngay bên sườn đồi. Nơi nàng chết đã mọc lên loài hoa trắng muốt, thoang thoảng hương thơm. Dân bản tin rằng nàng Ban đã hóa thân vào màu trắng tinh khôi ấy, thể hiện tình yêu thủy chung son sắt với chàng Khum.
Đồng bào nơi đây chọn ngày 13/3 hằng năm để tổ chức lễ hội hoa ban vì ngày này năm 1954 chính là thời điểm tiếng súng đầu tiên vang lên, khai màn trận chiến Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”.
Chính vì vậy, lễ hội hoa ban không chỉ gắn với sự tích nàng Ban xinh đẹp, thủy chung mà còn gắn với chiến thắng lịch sử của dân tộc.
3. Ý nghĩa các hoạt động trong lễ hội
Lễ hội hoa ban đã được đồng bào người Thái tổ chức từ xa xưa, là dịp để người dân dâng lễ với tổ tiên, các vị thần núi thần sông và là dịp để cầu cho bản mường no ấm, mùa màng bội thu… Còn lễ hội hoa ban Điện Biên được tổ chức một cách quy mô và bài bản lần đầu tiên vào năm 2014 trong chuỗi hoạt động nhân dịp kỷ niệm 60 năm chiến thắng Điện Biên Phủ. Đây là thời điểm Điện Biên thu hút rất nhiều khách du lịch tới trải nghiệm lễ hội, tạo điều kiện để quảng bá, giới thiệu và phát triển loại hình văn hóa độc đáo của đồng bào người Thái.
4. Nội dung lễ hội hoa ban
+ Phần lễ:
Người Thái sẽ mang lễ vật đến hang Thẩm Lé để cúng thần hang, thần rừng, cầu mong một cuộc sống bình an, no đủ. Lễ vật gồm có một con lợn, một chai rượu, hai bát cơm, vài nén hương và cành hoa ban cùng với trầu cau.
+ Phần hội:
Đây là phần được mong đợi nhất khi thanh niên trai gái đi ngắm cảnh hái hoa, tổ chức các điệu múa Thẩm Lé bên tiếng pí, tiếng khèn, trống chiêng. Những phần thi thể thao như bắn súng hỏa mai, ném còn, chọi gà… diễn ra sôi nổi. Các chàng trai sẽ trèo lên cây ban hái hoa, các cô gái ở dưới sẽ cầm ớp( giỏ) để đón hoa các chàng thả xuống. Chàng trai nào muốn thể hiện tình ý với cô gái mình thích sẽ thả vào giỏ cô đó.
5. Lễ hội hoa ban trong trong đời sống nghệ thuật ngày nay
Hiện nay, lễ hội hoa ban Điện Biên sẽ được nâng tầm thành sự kiện văn hóa, du lịch cộng đồng. Đây không còn là lễ hội của riêng người Thái mà trở thành hoạt động văn hóa tiêu biểu của cả tỉnh. Lễ hội được tổ chức với nhiều hoạt động văn hóa đa dạng giúp du khách có cơ hội trải nghiệm rõ hơn đời sống đồng bào dân tộc miền núi.
Có hai hoạt động chính diễn ra xen kẽ qua các năm ở mỗi mùa lễ hội là: Trình diễn trang phục truyền thống các dân tộc và Người đẹp hoa ban. Đây đều là các hoạt động thu hút đông đảo khách du lịch, mang tính tiêu biểu trong suốt quá trình diễn ra lễ hội.
Ngoài ra du khách có thể khám phá rất nhiều các hoạt động khác nhau, có thể kể đến lễ diễu hành đường phố, trải nghiệm không gian văn hóa vùng cao, giao lưu các môn thể thao như tó má lẹ, đi cà kheo, ném còn, tải xe đạp thồ…
Kết luận
Lễ hội hoa ban Điện Biên đã trở thành một sự kiện tiêu biểu, vừa là dịp giới thiệu văn hóa truyền thống đến với mọi người, vừa là dịp ôn lại lịch sử hào hùng của dân tộc. Đây chắc chắn là yếu tố giúp du lịch tỉnh phát triển và thu hút đông đảo khách du lịch đến với mảnh đất nơi địa đầu Tổ quốc. Dân ca Thái có câu:
“Muốn chơi thì chơi lúc còn hoa
Đùa thì đùa thời hoa ban còn nhiều
Lát nữa hoa sẽ tàn
Con gái có chồng thì bị xích tay, gông đeo cổ, không được đi nữa…”
Thế nên phải nhanh chân đi ngắm mùa ban và hòa mình vào lễ hội đặc sắc một lần trong đời cho trọn vẹn thanh xuân thôi nào.